Kỹ thuật trồng cây cam đúng cách để làm kinh tế
Hoài Lê ( Content )
Thứ Tư,
17/04/2024
Nội dung bài
viết
Cam là loại cây ăn trái được nhiều bà con nông dân lựa chọn để canh tác. Để cây cam có thể phát triển mạnh mẽ, bà con cần chú trọng ngay từ bước gieo trồng. Trong bài viết này, Thủy Sính sẽ hướng dẫn chi tiết cho bà con về kỹ thuật trồng cây cam.
1. Đặc điểm sinh thái để trồng cây cam
Cây cam có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau từ đất thung lũng, đất phù sa cổ, đất bồi, đất rừng mới khai hoang,... Tuy nhiên, chúng phát triển tốt ở vùng đất thịt, nhiều mùn và thoát nước tốt.
Tầng đất canh tác: 0,8 - 1m
Độ pH: 5,5 - 7 là thích hợp nhất để trồng cam
Nhiệt độ: 18 - 35 độ C là nhiệt độ lý tưởng để cam phát triển
Độ ẩm: 70 - 80%
Lượng mưa trung bình: 1.000 - 2.000mm được phân bổ đều trong năm.
2. Lựa chọn giống cam để trồng
Hiện nay có rất nhiều giống cam ngon và được nhiều người ưa chuộng như cam sành, cam Vinh, cam Xoàn, cam Cao Phong,... Tùy vào nhu cầu và sở thích mà bà con có thể chọn giống cam để trồng.
Thông thường cây giống sẽ có 2 dạng là giống ghép và giống chiết. Giống chiết cho trái nhanh hơn nhưng bộ rễ không khỏe và tuổi thọ ngắn hơn. Giống ghép mặc dù thời gian cho thu hoạch lâu nhưng cây khỏe và tuổi thọ lâu hơn.
Chính vì lý do đó, khi trồng để kinh doanh thì bà con nên chọn những giống ghép. Lưu ý chọn những cây ghép có chiều cao trên 30cm, lá xanh, thân khỏe và không có dấu hiệu sâu bệnh.
Chọn cây giống khỏe để trồng
3. Chuẩn bị đất để trồng cây cam
Tùy theo địa hình mà bà con có thể linh động thiết kế để trồng cây cam. Hầu hết các vùng đất cao chỉ cần đào hố là có thể trồng được. Chỉ riêng với khu vực đất thấp như vùng Tây Nam Bộ, bà con phải đào mương lên liếp trước khi trồng.
Khu vực Tây Nam Bộ
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đất khá trũng, mực nước ngầm lại cao. Chính vì vậy, bà con ở khu vực này cần tiến hành đào mương và lên liếp để hạn chế ngập úng.
Đào mương: Được thiết kế có bề rộng 1 - 3m
Lên liếp: Rộng 5,5 - 7m. Nếu bà con làm liếp rộng 7m thì trồng 2 hàng cam song song. Nếu làm liếp 5,5 - 6m thì trồng kiểu hình nanh sấu.
Khoảng cách: Các cây trồng với khoảng cách 4mx4m
Làm mô: Bà con có thể sử dụng đất ao, đất mặt ruộng hoặc đất bãi bồi ven sông phơi khô. Đắp mô cao 0,5m, chân mô rộng 1m và mặt mô rộng 0,8m.
Đào mương và lên liếp trồng cam
3.2. Các khu vực khác
Trước khi trồng khoảng 1 tháng, tiến hành dọn sạch cỏ, cày bừa, chia lô để trồng cam. Cần đào hố cần có kích thước 40 x 40 x 40cm hoặc 60 x 60 x 60cm. Ở những khu vực đất cao như đồi núi, bà con nên đào hố sâu và rộng hơn.
4. Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cam
Cũng tương tự như những cây quả có múi, cam trồng khá đơn giản. Dưới đây là kỹ thuật trồng cây cam chi tiết.
Bón lót trước khi trồng cam
Sau khi đã đào hố, cần bón phân lót để cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Bà con cần chuẩn bị 10kg phân hữu cơ + 500g phân NPK (20-20-15 hoặc 16 - 16 - 8) + 300g vôi + 300g lân trộn đều cùng lớp đất mặt để ủ.
Bón lót trước khi trồng cây
Cách trồng cây cam
Tại vị trí hố đã chuẩn bị trước đó, bà con dùng cuốc đào một hốc để đặt bầu cây con. Xé lớp vỏ nilon sau đó nhẹ nhàng đặt bầu cây lọt vào hốc. Đảm bảo cây đứng thẳng, mắt ghép xoay về hướng gió thổi đến. Sau đó lấp đất, nén nhẹ và cắm cọc xung quanh buộc giữ cây.
Kỹ thuật trồng cây cam xen canh với ổi
Một trong những mẹo để hạn chế rầy chổng cánh hay bệnh vàng lá chính là trồng xen canh với ổi. Ngoài hạn chế sâu bệnh, hình thức này còn giúp bà con thu lợi kinh tế trong 3 năm đầu trồng cam.
Trước khi trồng cam khoảng 6 tháng, bà con hãy tiến hành trồng ổi trước. Đến thời điểm trồng cam, ổi lúc này đã cao đến 4 - 5 tấc và lá cây xanh tốt. Như vậy thì khả năng xua đuổi rầy sẽ cao hơn.
Lưu ý: Nên xen canh cam với ổi theo tỷ lệ 1 : 1, cứ một cây cam lại xen một cây ổi. Khoảng cách giữa chúng cũng cần đảm bảo 3 - 4m.
Xen canh cây cam với ổi để tăng hiệu quả kinh tế
5. Chăm sóc cây cam sau khi trồng
Sau khi trồng cây cam, cần bón phân và tưới nước đều đặn để cây có thể phát triển. Bên cạnh đó phải cắt tỉa cành cũng như phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo năng suất của cây.
Bón phân cho cây cam
- Bón phân hữu cơ định kỳ: Để cây luôn phát triển khỏe mạnh, hãy bón 200 - 300 gram phân hữu cơ mỗi 1 - 1,5 tháng, giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết.
- Kích thích cây phát triển rễ: Trong 6 tháng đầu, sử dụng phân Humic và Fulvic để thúc đẩy sự phát triển của rễ. Bón phân này mỗi 7 - 10 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Cung cấp Ure và DAP: Định kỳ mỗi 2 - 3 tháng, bổ sung 40 - 50 gram Ure và DAP để đảm bảo cây nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển.
- Sử dụng phân bón lá: Nếu có điều kiện, thêm các loại phân bón đa trung vi lượng như Thủy Sính 25 để cải thiện màu xanh và độ dày của lá, giúp cây trở nên khỏe mạnh hơn.
Tưới nước cho cây cam
Cây cam cần đủ nước để có thể phát triển rễ, lá, cành. Bà con cần thường xuyên tưới nước cho cây, nhất là vào mùa khô hạn. Có thể áp dụng phương thức tưới nước thẩm thấu hoặc tưới phun mưa.
Trong 6 tháng đầu, cần tưới ít nhất 2 - 3 lần/tuần để giữ độ ẩm trong đất. Kể từ tháng thứ 7 trở đi, bà con có thể giảm tần suất tưới trong tuần.
Tưới nước đầy đủ cho cây con
Cắt tỉa cành và tạo tán cây
Cắt tỉa cành và tạo tán là bước quan trọng để cây có thể phát triển cân đối theo chiều ngang. Nhờ đó mà khả năng quang hợp tốt hơn, trái cũng đạt chất lượng hơn.
Khi cây đạt 6 tháng: Bắt đầu tỉa cành. Giữ lại 3 cành cấp 1 chắc, khỏe ở các hướng khác nhau. Các cành này phải có khoảng cách nhất định để tạo bộ khung vững chắc cho cây. Cành cấp 1 chuẩn là cành tạo góc 45 độ so với thân chính.
Khi cây đạt 12 tháng tuổi: Tiến hành tỉa cành cấp 2 và cấp 3 bị sâu bệnh hoặc mọc sâu trong tán. Bà con chỉ giữ lại 3 - 5 cành cấp 2 và 3 - 5 cành cấp 3. Các cành cấp 2, cấp 3 này tạo góc 30 - 35 độ so với cành cấp 1 và 2.
Lưu ý: Ngay sau khi cắt cành, sử dụng keo phòng nấm bệnh hoặc sử dụng thuốc gốc Mancozeb để thoa lên vết cắt. Điều này nhằm hạn chế sâu bệnh tấn công vào vết thương vừa tạo ra.
Cắt tỉa cành để cây phát triển tốt nhất
Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cam
Cây cam rất dễ bị các côn trùng và sâu bệnh tấn công. Do đó bà con nên chủ động phòng bệnh cho cây. Đồng thời thường xuyên theo dõi để nhận biết và xử lý bệnh kịp thời.
Để phòng ngừa và kiểm soát rầy, sử dụng thuốc như Abagent 500WP hoặc Chessin 600WP và thực hiện phun thuốc ít nhất 2 lần để bảo vệ cây cam non khỏi bị tấn công.
Bên cạnh đó, cây cam thường gặp một số sâu bệnh như: rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bệnh vàng lá Greening, bệnh thối gốc chảy nhựa,... Để phòng trừ, bà con nên vệ sinh vườn sạch sẽ, kết hợp phun thuốc phòng trừ nấm bệnh, phòng trừ côn trùng cho cây.
Hy vọng thông qua bài viết trên, bà con đã nắm được kỹ thuật trồng cây cam. Kính chúc quý bà con có vườn cây xanh tốt, mùa màng bội thu. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác, bà con có thể liên hệ với Thủy Sính qua hotline 0905 908 500 để được kỹ thuật viên hỗ trợ tốt nhất.