Kỹ thuật trồng cây chanh dây cho năng suất, chất lượng cao

Kỹ thuật trồng cây chanh dây cho năng suất, chất lượng cao

Bộ Phận Kho
Thứ Tư, 17/04/2024
Nội dung bài viết

Chanh dây (hay còn gọi là chanh leo) hiện nay đang được nhiều bà con nông dân trồng diện tích lớn để kinh doanh. Làm thế nào để chanh leo mỏng vỏ, đạt năng suất như ý? Cùng Thủy Sính khám phá ngay cách canh tác chanh dây cho chất lượng cao.

1. Thời vụ lý tưởng để trồng chanh dây

Trên thực tế, cây chanh dây có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên đối với những bà con muốn trồng để làm kinh tế thì nên chọn thời điểm phù hợp nhất với cây.

Khu vực miền Bắc và miền Trung

Mùa xuân và mùa thu là thời điểm tốt nhất để trồng chanh dây. Thời tiết trong mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 11) thường ấm áp và có độ ẩm phù hợp cho cây phát triển. Trồng trong thời gian này giúp cây có đủ thời gian để phát triển và ra quả trước mùa đông lạnh.

Khu vực miền Nam

Trong miền Nam, thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7 (mùa mưa) là thời vụ lý tưởng để trồng chanh dây. Mùa mưa cung cấp đủ nước cho cây, giúp cây dễ dàng bắt rễ và phát triển mạnh mẽ.

Thời vụ trồng chanh dây

Trồng theo mùa vụ để đảm bảo năng suất

2. Chọn giống chanh dây để trồng

Hiện nay có nhiều giống chanh dây nhưng 2 giống được trồng phổ biến nhất vẫn là chanh dây tím và chanh dây vàng. Tùy theo nhu cầu mà bà con có thể lựa chọn giống cây để canh tác.

  • Chanh dây tím: Đây là giống chanh dây được ưa chuộng nhất tại Việt Nam. Quả có màu tím đậm, vị chua ngọt đặc trưng, rất thích hợp để làm nước uống, sinh tố. So với chanh dây vàng thì giống này phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam hơn.

  • Chanh dây vàng: Quả có màu vàng tươi, vị ngọt thanh hơn so với chanh dây tím. Giống chanh dây vàng có sức sống mạnh, ít bị sâu bệnh hại nhưng năng suất và kích thước trái thấp hơn chanh dây tím.

Khi chọn mua giống cây để trồng, bà con cần chọn cây khỏe mạnh, thân, lá xanh tốt và không có dấu hiệu của sâu bệnh. Chọn những cây ươm trong bầu có chiều cao 15 - 20cm là tốt nhất.

Chọn giống chanh dây để trồng

Trồng chanh dây tím phù hợp hơn

3. Chuẩn bị đất trồng chanh dây

  • Cày xới đất: Trước khi trồng khoảng 1 tháng, tiến hành cày xới đất ở độ sâu 20 - 30cm để đất tơi xốp, tăng khả năng giữ nước và dinh dưỡng. Đồng thời cần loại bỏ những tàn dư thực vật, cỏ rác để hạn chế nấm bệnh. Nếu trồng trên đất dốc, bà con phải tiến hành tạo rãnh thoát nước để tránh rửa trôi và xói mòn vào mùa mưa.
  • Đào hố: Sau đó bà con cần đào hố để trồng cây. Hố trồng có kích thước 60 x 60 x 60cm. Đối với vùng đất cứng, khó đào thì nên đào sâu hơn một chút. Khi đào, bà con nên để riêng lớp đất mặt với (độ sâu 20 - 25cm), phần đất phía dưới còn lại nên để riêng.
  • Bón lót: Trước khi trồng 2 tuần, sử dụng 0,5kg vôi bột + 10-15kg phân chuồng hoai mục + 0,5kg Lân + 1 thìa canh Trichoderma trộn cùng phần đất mặt để bón ủ xuống hố. 

Chuẩn bị đất trồng chanh dây

Chuẩn bị đất trước khi trồng

4. Hướng dẫn làm giàn cho chanh dây

Chanh dây là cây leo cần có giàn để hỗ trợ sự phát triển của thân cây và giữ cho quả không tiếp xúc với mặt đất. Bà con có thể chọn một trong ba loại giàn dưới đây để trồng chanh dây.

Giàn chữ T cọc đôi

Sử dụng cọc tre/ gỗ và dựng thành từng cặp cách nhau 1m, khoảng cách giữa mỗi đôi cọc là 4 - 4,5m, các hàng cọc cách nhau 3m. Trên thân cọc đấu thanh ngang có chiều dài 2 - 2,5 m. Tương tự như giàn truyền thống, bà con hãy sử dụng dây kẽm 3 ly để buộc cố định các thanh ngang và đầu cọc lại với nhau. 

Để tạo lưới trên giàn, bà con có thể dùng dây kẽm 2 ly để nối dài, khoảng cách giữa các thanh dây ngang là 50cm.  

Giàn chữ T cọc đôi

Giàn chữ T cọc đôi cho năng suất gấp đôi

Giàn chữ T cọc đơn

Kiểu tạo giàn chữ T cọc đơn và cọc đôi cũng tương tự nhau. Nhưng thay vì mỗi điểm chôn 2 cọc song song, thì kiểu giàn này chỉ chôn 1 cọc ở mỗi điểm cọc. Các điểm cọc cách nhau khoảng 3m. Trên thân cọc đấu thanh ngang (dài 1,2m - 1,5m).

Mỗi loại giàn đều có những ưu và nhược điểm riêng. Giàn truyền thống thì giá thành rẻ hơn tuy nhiên thời gian sử dụng chỉ giới hạn 2 - 3 năm. 

Trong khi đó, giàn chữ T chi phí đầu tư nhiều hơn nhưng có thể sử dụng lâu dài. Đồng thời giàn chữ T dễ kiểm soát sâu bệnh hơn, cây cũng dễ hấp thụ ánh sáng mặt trời nên chất lượng quả cũng cao hơn.

Giàn chữ T cọc đơn

Giàn chữ T cọc đơn chịu lực kém hơn cọc đôi

Giàn truyền thống

Giàn truyền thống là giàn mà bà con hay sử dụng để trồng mướp, bí. Khi làm giàn truyền thống, bà con có thể sử dụng cọc tre và cọc bê tông xen kẽ, cách đều nhau. Phía trên dùng dây kẽm đan thành lưới ô vuông. Cố định lưới với đầu cọc bằng dây kẽm để tạo sự chắc chắn.

  • Cọc bê tông có chiều cao 2,5 - 3m. Cần chôn chân khoảng 50cm sao cho giàn có chiều cao 2 - 2,5m là phù hợp.

  • Cọc tre có tác dụng chống giàn nên bà con có thể chôn hoặc không.

  • Cọc cách cọc 5m là tốt nhất.

  • Kích thước của các ô lưới khoảng 30 - 40cm để cây dễ dàng phát triển.

Giàn truyền thống

Chất lượng trái trên giàn truyền thống không cao

5. Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây chanh dây

Sau khi đã bón lót và chuẩn bị giàn, bà con tiến hành trồng cây. Tại vị trí hố đã đào trước đó, bà con hãy đào lại một hố vừa đủ để trồng cây. Sử dụng dao rạch nhẹ, gỡ bỏ lớp nilon ở bầu đất. Nhẹ nhàng vào hố và lấp đất lại. 

Dùng cọc cắm và buộc giữ thân để cây không bị đổ. Sau đó, hãy tưới một ít nước để giữ ẩm cho cây. Nếu trồng vào tiết trời nắng, bà con cần che chắn để chúng có thể giữ nước và tập quang hợp.

6. Chăm sóc cây chanh dây con sau khi trồng

Giai đoạn đầu khi mới trồng, cây chanh dây con có phần nhạy cảm. Bà con cần lưu ý chăm sóc kỹ lưỡng cho chúng nhé.

Tưới nước cho cây chanh dây

Bà con cần thường xuyên tưới nước để giữ ẩm và giúp cây con phát triển. Tưới nước đều đặn 2 lần/ngày, mỗi lần tưới khoảng 20 - 30 lít nước/gốc. 

Đối với cây đã phát triển được từ 6 tháng, hãy giảm lượng nước tưới cho cây. Mỗi tuần chỉ cần tưới 2 - 3 lần để đảm bảo cây vẫn đủ nước cho sự sinh trưởng.

Tưới nước cho cây chanh dây

Tưới nước đều đặn cho cây

Cắt tỉa cành và tạo tán

Sử dụng kéo cắt cành hoặc dao bén để tỉa cành cho cây. Tại vị trí phân cành chính từ 10 - 15cm, bà con tiến hành cắt tỉa bớt lần lượt từ trong tán ra bên ngoài. Lưu ý cắt cành lớn trước sau đó mới đến cành bé.

  • Khi cây khoảng 1m: Tiến hành tạo tán cho cây. Trước tiên cần bấm bớt lá ở phần gốc. Khi cây leo giàn được 20 - 40cm thì phát triển cành cấp 1, chỉ để từ 5 - 6 cành cho tỏa đều các hướng.
  • Khi cành cấp 1 đã phát triển mạnh: Tiếp tục bấm ngọn để cành cho tán cấp 2. Đối với tán cấp 2, bà con chỉ cần để từ 4 - 5 cành tỏa đều là được.
  • Khi cành của chanh dây đã phủ kín giàn: Tiếp tục tạo tầng cho chúng. Việc tạo nhiều tầng sẽ giúp tăng diện tích của giàn cũng như tăng chất lượng đầu ra của chanh dây.

Bón phân cho cây chanh dây

  • Bón phân hữu cơ thường xuyên: Mỗi 1 - 1,5 tháng, hãy cung cấp 200 - 300 gram phân hữu cơ để đảm bảo cây nhận đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển.
  • Kích thích rễ: Trong vòng 6 tháng đầu, thực hiện bón phân Humic và Fulvic mỗi 7 - 10 ngày để tăng cường sự phát triển của rễ cây.
  • Cung cấp Ure và DAP: Bổ sung 40 - 50 gram Ure và DAP theo định kỳ 2 - 3 tháng một lần để cây nhận đủ các chất dinh dưỡng.
  • Phân bón lá: Nếu có điều kiện, hãy thêm các loại phân bón đa trung vi lượng như Thủy Sính 20 để tăng độ xanh dầy của lá, giúp cây chắc khỏe hơn.

Bón phân cho cây chanh dây

Bón phân đầy đủ để cây con phát triển

Phòng trừ nấm bệnh hại trên cây chanh dây

Cây chanh dây dễ bị sâu bệnh hại tấn công nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng. Đặc biệt ở giai đoạn cây con, bà con cần phải chú ý nhiều hơn để có thể phát hiện và xử lý kịp thời.

Để phòng trừ rầy tấn công, hãy sử dụng thuốc trừ rầy như Abagent 500WPChessin 600WP và thực hiện phun thuốc ít nhất 2 lần để bảo vệ cây non. Bên cạnh đó, cây chanh dây có thể gặp một số nấm bệnh như bệnh tuyến trùng, bệnh bã trầu, bệnh héo rũ, đốm nâu,... Để có thể xử lý các nấm bệnh này, bà con có thể sử dụng một số sản phẩm phòng trừ nấm bệnh của Thủy Sính. 

7. Yêu cầu ngoại cảnh cần lưu ý khi trồng chanh dây

Yêu cầu ngoại cảnh đối với chanh dây

Đảm bảo các yếu tố ngoại cảnh để cây phát triển tốt nhất

Yêu cầu về đất trồng chanh dây

Chanh dây là loại cây khá dễ trồng và không quá kén đất. Cây có thể phát triển trên vùng đất đỏ bazan, đất cát pha hay đất thịt. Đất trồng chanh dây cần tơi xốp, có khả năng thoát nước tốt. 

Độ pH trong đất lý tưởng để trồng chanh dây là 5,5 - 6. Độ mùn trên 2% là thích hợp nhất. Vùng đất canh tác cần tối thiểu 50cm. 

Nhiệt độ thích hợp để trồng chanh dây

Chanh dây có thể sinh trưởng trong nhiệt độ dao động từ 16 - 30 độ C. Cây có thể chịu được nhiệt độ xuống 10 độ C. Tuy nhiên nếu kéo dài, cây sẽ ngừng phát triển và chết đi. 

Cây chanh dây cũng khá kỵ với những vùng có sương muối. Chính vì vậy những tỉnh ở vùng cao phía bắc gặp tình trạng rét đậm, rét hại và có sương muối thì không thể trồng giống cây này.

Lượng mưa thích hợp để trồng chanh dây

Chanh dây là giống cây ưa ẩm nên cần nhiều nước để có thể phát triển, đặc biệt trong giai đoạn mang hoa và đậu quả. Những vùng có lượng mưa hàng năm 1.600mm sẽ là nơi lý tưởng để canh tác chanh dây. Tuy vậy, chúng cũng không chịu được tình trạng ngập úng, do đó bà con cần chú ý thoát nước cho cây.

Bài viết trên đây đã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây chanh dây đúng cách. Để biết thêm thông tin chi tiết về cách chăm sóc cây chanh dây, hãy gọi theo số hotline 0905 908 500 để được tư vấn tốt nhất.

Nội dung bài viết
Liên hệ