Kỹ thuật trồng cây sầu riêng làm kinh tế chi tiết nhất

Kỹ thuật trồng cây sầu riêng làm kinh tế chi tiết nhất

Bộ Phận Kho
Thứ Tư, 14/08/2024
Nội dung bài viết

Sầu riêng là lựa chọn của không ít bà con nông dân khi làm kinh tế. Sầu riêng có sống khỏe và đạt năng suất hay không phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn gieo trồng. Chính vì vậy trong bài viết này, Thủy Sính sẽ hướng dẫn bà con cách trồng cây sầu riêng để mang lại hiệu quả.

1. Thời điểm và khoảng cách trồng sầu riêng

Trồng cây đúng thời điểm sẽ là điều kiện giúp chúng có thể phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, bà con cũng cần đảm bảo khoảng cách trồng để đạt hiệu quả kinh tế. Dưới đây là một số thông tin mà Thủy Sính muốn chia sẻ cho bà con.

Thời điểm tốt nhất để trồng sầu riêng

Từ đầu đến giữa mùa mưa là lúc tốt nhất để bà con trồng sầu riêng. Giai đoạn này thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Đây là lúc mà độ ẩm lẫn khí hậu thuận lợi để giúp cây con bén rễ nhanh chóng.

Khoảng cách lý tưởng để trồng sầu riêng

Tùy thuộc vào giống cây cũng như đặc điểm của vùng canh tác mà bà con có thể điều chỉnh khoảng cách trồng sầu riêng. Thông thường sẽ có 2 hình thức trồng là trồng thuần và xen canh:

  • Đối với trồng thuần: Ở khu vực miền Tây, có thể trồng với khoảng cách 8m x 8m hoặc 8m x 10m. Còn với khu vực miền Đông và Tây Nguyên, sầu riêng thường được trồng với khoảng cách là 8m x 8m hoặc 10m x 10m.

  • Đối với trồng xen canh (cà phê, tiêu, các loại cây ăn quả, rau màu): Bà con có thể trồng với khoảng cách 10m x 12m.

>>> Khám phá các khoảng cách trồng sầu riêng lý tưởng để cây phát triển tốt nhất.

Hình ảnh bài viết

Trông đúng thời điểm và khoảng cách để cây phát triển tốt nhất

2. Chọn cây giống sầu riêng

Bà con nên chọn cây được nhân giống vô tính bằng cách ghép mắt hoặc ghép cành. Không nên trồng sầu riêng bằng hạt vì tỷ lệ thành công không cao. 

Tiêu chí chọn cây giống sầu riêng:

  • Đặc điểm lá: Các lá phải xanh tốt, có hình dạng và kích thước đặc trưng của giống.

  • Đặc điểm gốc ghép: Gốc ghép phải thẳng, bộ rễ phát triển mạnh mẽ, đường kính thân khoảng 1,5 - 2cm là chuẩn nhất.

  • Đặc điểm cành: Cây nên có ít nhất 3 cành cấp 1. 

  • Bầu đất: Đạt kích thước 15 x 30cm.

  • Chiều cao: Chiều cao cây tính từ mặt bầu đất cần đạt ít nhất 60 - 70cm.

Chọn cây giống sầu riêng khỏe mạnh

Chọn cây giống khỏe để trồng

3. Chuẩn bị đất trồng sầu riêng

Trước khi trồng sầu riêng, bà con cần chuẩn bị đất để trồng. Ở phần nội dung này, Thủy Sính sẽ hướng dẫn theo khu vực miền Tây và miền Đông - Tây Nguyên. 

Đối với khu vực miền Tây Nam Bộ

Miền Tây Nam Bộ có đặc điểm là mặt đất khá thấp, mực nước ngầm lại cao. Vì vậy, để hạn chế ngập úng và bị nhiễm phèn, bà con ở khu vực này cần thiết kế mương, lên liếp trước khi trồng. Liếp được thiết kế theo hình mai rùa, có các rãnh nhỏ hình xương cá để có thể thoát nước vào mùa mưa. 

  • Nếu trồng thuần (chuyên canh) - lên liếp đơn: Thiết kế liếp rộng 5 - 6m, mương rộng 2 - 3m, độ sâu từ 1 - 1,2m.

  • Nếu trồng xen canh - lên liếp đôi: Hàng liếp rộng 10 - 12m, mương có độ rộng 4 - 5m, độ sâu từ 1 - 1,2m.

Nên đào mương liếp sao cho nước vào đầu này của mương và thoát ra từ đầu còn lại. Điều này sẽ giúp việc rửa phèn được đảm bảo tốt nhất. Nên bố trí thiết kế theo hướng Bắc - Nam để cây sầu riêng có thể đón nắng mặt trời tốt nhất. Xung quanh vườn nên có hệ thống bao đê để ngăn dòng nước bên ngoài không chảy vào vườn.

Sau khi xác định được khoảng cách để lên liếp, bà con cần đắp mô để hạn chế cây bị bệnh thối rễ hay xì mủ. Mô đất được đắp lên liếp cao khoảng 0,6 - 0,8m, kích thước mặt 0,8 - 1m, bề rộng đáy mô từ 1 - 1,2m. Hàng năm bà con cần đắp mô rộng ra theo tán cây.

Đào mương, lên liếp trồng sầu riêng

Đào mương lên liếp trồng sầu riêng

Đối với khu vực miền Đông và Tây Nguyên

Đối với khu vực miền Đông và Tây Nguyên thì việc chuẩn bị đất trồng đơn giản hơn. Bà con ở những khu vực này không cần phải lên liếp. Tuy nhiên, để đảm bảo cung cấp đầy đủ nước tưới vào mùa khô, bà con nên chọn khu đất gần nguồn nước.

Vì cây sầu riêng có khả năng chịu úng khá kém. Chính vì vậy hãy thiết kế hệ thống rãnh thoát nước cho cây. Như vậy sẽ hỗ trợ làm giảm độ ẩm, tránh ngập úng vào mùa mưa.

4. Kỹ thuật trồng cây sầu riêng chi tiết

Sau khi đã chuẩn bị cây giống cũng như đất trồng, chúng ta sẽ tiến hành trồng cây. Thủy Sính sẽ hướng dẫn thật chi tiết cho bà con, hãy theo dõi nội dung ngay dưới đây nhé.

Kỹ thuật trồng cây sầu riêng chi tiết

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây sầu riêng

Đào hố trồng sầu riêng

  • Đối với khu vực miền Tây: Đào hố trên mô đã thiết kế với độ rộng 0,5 x 0,6m, độ sâu 0,5 - 0,6m

  • Đối với khu vực miền Đông và Tây Nguyên: Khu vực đất ở những khu vực này khá cao, bà con có thể đào hố có độ rộng 0,7 - 0,8m, độ sâu 0,7 - 0,8m để trồng sầu riêng.

Bón lót trước khi trồng sầu riêng

Trước khi trồng bầu cây xuống đất, bà con hãy thực hiện bón lót. Trước tiên, hãy sử dụng 0,5kg vôi bột để xử lý sâu bệnh trong đất. 

Sau đó 2 tuần, cần bón vào hố 20 - 40kg phân chuồng hoai mục + 200g NPK (15:15:15) + 0,5 - 1kg vôi bột và một ít đất mặt vườn (đủ để lấp lại sao cho bằng với mặt vườn). Sau khoảng 20 đến 25 ngày là có thể trồng được. 

Bón lót trước khi trồng sầu riêng

Bón lót để tăng độ tơi xốp cho đất

Cách trồng cây sầu riêng

Đặt cây sầu riêng con vào hố

Khi trồng cây, bà con cần đào hố vừa bằng với bầu giống. Cắt bỏ lớp nilon của bầu cây rồi nhẹ nhàng đặt vào hố trồng, sao cho bầu cao hơn mặt đất khoảng 2 - 3cm. Nếu có nhiều rễ già, hãy sử dụng kéo sắt để tỉa bớt. Sau đó tưới một ít nước để làm ẩm đất, lấp đất và nén chặt đất quanh bầu cây.

Lưu ý khi đặt bầu cây vào hố, hãy quay mắt ghép hướng về chiều gió thổi đến (phía mặt trời lặn) để hạn chế gãy mắt ghép. Bên cạnh đó, bà con có thể sử dụng cọc tre, nứa cao 1 - 2m, đường kính 2cm cắm thành hình tam giác quanh gốc. Sau đó cột nhẹ vào thân cây để làm giá đỡ cho cây.

Che chắn cho cây sầu riêng vừa trồng

Như đã chia sẻ, thời gian đầu sau khi trồng là lúc mà cây con không cần quá nhiều ánh nắng. Chính vì vậy, hãy tận dụng lá dừa hoặc lưới che đan để che chắn. Bên cạnh đó, bà con nên sử dụng rơm rạ, cỏ khô để tủ gốc. Điều này có tác dụng giữ ẩm và làm mát cho cây con.

>>> Xem thêm: Sầu riêng trồng bao lâu có trái? Kinh nghiệm tăng năng suất cho nhà vườn

5. Bón phân cho cây sầu riêng con

  • Bón phân hữu cơ đều đặn: Cứ 1 - 1,5 tháng, bà con cần bón 200 - 300gram phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho cây phát triển.

  • Bón phân kích rễ: Trong 6 tháng đầu, cứ 7 - 10 ngày thì bà con cần bón Humic, Fulvic một lần.

  • Bổ sung Ure + DAP: Bổ sung 40 - 50 gram Ure và DAP định kỳ 2 - 3 tháng/lần.

  • Phân bón lá: Nếu có điều kiện, bà con hãy bổ sung thêm đa trung vi lượng cho cây như Thủy Sính 20, Thủy Sính 25.

  • Trừ rầy: Khi cây xuất hiện mũi giáo hãy mua thuốc trừ rầy (như Chessin 600WP, Abagent 500WP,...) và phun ít nhất 2 lần cho cây sầu riêng con.

Bón phân cho cây sầu con

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cây con mới trồng

6. Tưới nước cho cây sầu riêng con

Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (4 năm đầu), cây sầu riêng con vô cùng nhạy cảm. Hãy đảm bảo chúng được tưới nước vừa đủ. Nếu thiếu nước, cây sẽ bị héo và chết. Nếu tưới quá nhiều, cây sẽ khó phát triển và bị thối rễ.

Để giữ ẩm đất hiệu quả cũng như tiết kiệm công tưới, bà con nên thiết kế một hệ thống béc cho vườn sầu riêng. Tùy theo điều kiện thời tiết khô hạn hay mưa nhiều mà bà con có thể điều chỉnh lượng nước tưới cho cây.

Tưới nước cho cây sầu riêng

Thiết kế béc tưới cho cây sầu riêng

7. FAQ - Những câu hỏi thường gặp về kỹ thuật trồng cây sầu riêng

Sầu riêng nên trồng trên loại đất nào?

  • Đất phù hợp: Vùng đất bazan, phù sa hay đất thịt với tầng canh tác dày > 70cm, pH từ 5 - 6, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt sẽ vô cùng phù hợp. 

  • Đất không phù hợp: Đất phèn, đất mặn, độ phì nhiêu kém hay tỷ lệ sét cao làm cây sầu riêng rất khó phát triển. 

>>> Tham khảo thêm bài viết sầu riêng trồng ở đâu để biết đặc điểm đất phù hợp với từng giống sầu.

Sầu riêng ưa ẩm không?

Sầu riêng là loại cây ưa ẩm nhưng lại không chịu được tình trạng bị ngập nước. Chính vì vậy, nên trồng cây sầu riêng ở những khu vực có lượng mưa trung bình khoảng 1.500 - 3000mm/năm (tốt nhất là ở mức 2.000mm/năm).

Sầu riêng phát triển trong nhiệt độ bao nhiêu?

Tại Việt Nam, hầu hết các giống sầu riêng phát triển tối ưu và đạt năng suất cao khi môi trường có nhiệt độ dao động từ 24 đến 30 độ C. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, sầu riêng gặp khó khăn trong việc phát triển, ra hoa và đậu quả khi nhiệt độ hạ xuống dưới 22 độ C hoặc vượt quá 40 độ C.

Có cần che nắng cho cây sầu riêng không?

  • Giai đoạn cây con: Sầu riêng cần được tập nắng từ từ. Do đó, bà con phải che chắn trong giai đoạn này để tránh ánh nắng gắt làm tăng quá trình mất nước trong cây. Tuy nhiên cũng không nên che quá 60% ánh nắng nhé.

  • Giai đoạn cây từ 6 tháng trở đi: Bà con không cần che chắn nữa. Bởi đây là lúc cây cần ánh sáng để tiến hành quang hợp và phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn trưởng thành phải có nắng thì chúng mới có thể làm bông và tăng đậu trái.

Trên đây là tất cả thông tin về kỹ thuật trồng cây sầu riêng. Hy vọng bà con có thể thực hiện thành công và có vườn cây xanh tốt, đạt năng suất. Để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc cây sầu riêng trong giai đoạn phát triển, hãy liên hệ với Thủy Sính qua hotline 0905 908 500.

Nội dung bài viết
Liên hệ